Vui lòng nhập vào form bên dưới để chúng tôi để nhận ưu đãi !
Vui lòng nhập vào form bên dưới để chúng tôi để nhận ưu đãi !
Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 32.785ha sầu riêng, tăng hơn 10.300ha so với năm 2022; trong đó diện tích cho thu hoạch chiếm 48,35%. Sản lượng sầu riêng năm 2024 của tỉnh khoảng trên 300.000 tấn.
Như vậy, trong tương lai không xa, khi diện tích sầu riêng toàn tỉnh cho thu hoạch, Đắk Lắk sẽ có sản lượng sầu riêng dồi dào để xuất khẩu trái tươi và xuất khẩu đông lạnh, đòi hỏi các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng cần tiếp tục chú trọng và đảm bảo chất lượng sầu riêng.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Minh Công, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm, dù sản phẩm sầu riêng tươi hay sầu riêng đông lạnh thì nguyên liệu phải đạt chất lượng. Do đó, doanh nghiệp, nông dân cần nâng cao kỹ thuật và liên kết 4 nhà để tìm giải pháp nâng cao chất lượng sầu riêng nguyên liệu.
Việc cải thiện chất lượng để xây dựng và duy trì thương hiệu sầu riêng Việt Nam là yêu cầu bắt buộc, yêu cầu hàng đầu đối với ngành hàng hiện nay. Tại Đắk Lắk, cần tiến hành các giải pháp để mùa vụ sầu riêng năm 2025 khắc phục được vấn đề sượng nước và ứng phó được tác động của thời tiết bất lợi nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm sầu riêng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân phải tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu, tập trung vào chất lượng sầu riêng đông lạnh để giữ uy tín và thương hiệu, thay vì chạy đua xuất khẩu theo số lượng.
Các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, tỉnh sẽ nỗ lực nhiều hơn, cùng với cộng đồng doanh nghiệp và nông dân thực hiện, đảm bảo đúng các điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc trong Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc đã ký kết.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật biên soạn các tài liệu, văn bản để tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn về các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn liên quan đến Nghị định thư. Đồng thời, tỉnh có các chủ trương thu hút doanh nghiệp uy tín đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu đối với nhóm cây ăn quả chủ lực; trong đó có sầu riêng đông lạnh.
Liên quan đến xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh, theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Hâu, Cựu giảng viên cao cấp, Trường Đại học Cần Thơ, một vấn đề cần giải quyết là vỏ trái sầu riêng. Thông thường, với một trái sầu riêng, tỷ lệ vỏ sầu riêng chiếm 50-60%.
Như vậy, với sản lượng gần 500.000 tấn sầu riêng của vùng Tây Nguyên hiện nay, lượng vỏ chiếm khoảng 300.000 tấn. Do đó, các ngành sản xuất thực phẩm gia súc, phân hữu cơ cần nghiên cứu sử dụng vỏ sầu riêng làm nguyên liệu nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, giải quyết vấn đề rác thải và mang lại hiệu quả kinh tế.
Sầu riêng Đắk Lắk đã và đang được sản xuất rải vụ. Bên cạnh sự quan tâm, định hướng của tỉnh và ngành nông nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực thúc đẩy các dịch vụ đầu vào, xây dựng các chuỗi liên kết trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.
Cùng với những điều kiện thuận lợi tại chỗ, sự chủ động hiện nay của tỉnh, các địa phương và doanh nghiệp, hợp tác xã đang mang lại nhiều tín hiệu lạc quan, sẵn sàng chinh phục mục tiêu là địa phương xuất khẩu sầu riêng đông lạnh chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc./.
Theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh năm 2024 gần 12.000 ha; trong đó, diện tích kinh doanh ước đạt gần 4.600 ha và tổng sản lượng gần 50.000 tấn.